Máy ảnh là cả một “gia tài” với những người có thú chơi ảnh, nhưng không phải ai cũng biết cách bảo quản máy ảnh, nhất là với những tay máy nghiệp dư hoặc những người mới bắt đầu “sự nghiệp” nhiếp ảnh. Tủ chống ẩm là thứ không thể thiếu để giúp máy ảnh của bạn được ở bên bạn bền lâu.
Cần phải chống ẩm cho các “đồ chơi” này
Sự cần thiết của tủ chống ẩm
Ngày nay, thú chơi máy ảnh đang dần trở lên khá phổ biến. Với sự đa dạng và phong phú của các chủng loại máy ảnh dành cho gia đình, bán chuyên nghiệp cho tới chuyên nghiệp, đã giúp người tiêu dùng dễ dàng trang bị cho mình một chiếc máy ảnh số theo nhu cầu, sở thích và khả năng tài chính. Việc sở hữu những máy ảnh chuyên nghiệp với ống kính rời từ vài trăm cho tới hàng ngàn USD không còn là chuyện hiếm đối với các tay máy ở Việt Nam.
Có một điểm chung mà tất cả người đam mê môn nghệ thuật nhiếp ảnh đều phải lưu ý, đó là dù họ có đang sở hữu ống kính hoặc máy ảnh của bất cứ thương hiệu nào với giá trị lớn, nhỏ đều phải quan tâm đến việc bảo quản cho chúng và công việc quan trọng nhất là: chống nấm mốc. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi phát triển nhanh ở nhiệt độ từ 18 – 30oC với độ ẩm trên 60% và độ ẩm để có thể bảo quản ống kính và máy ảnh nằm trong khoảng từ 45% – 55%. Việt Nam thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với độ ẩm cao có thể lên tới hơn 80%, chính vì vậy, đây là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm mốc sinh sôi nảy nở và phát triển. Tủ chống ẩm là một giải pháp hoàn hảo và lý tưởng cho bất cứ tay chơi máy ảnh nào nếu không muốn nhìn những đứa con tinh thần của mình bị nấm mốc gặm nhấm và phá hủy.
Tủ chống ẩm dùng đồng hồ hiển thị cơ học
Tủ chống ẩm dùng đồng hồ hiển thị LCD
Cấu tạo, tính năng và cơ chế hoạt động
Tủ chống ẩm là một tủ kín, thường được chế tạo bằng tone, sơn tĩnh điện. Cánh cửa tủ thường có mặt bằng kính và có thể có thêm ổ khóa bảo vệ, các cạnh mép cánh cửa có gioăng cao su để tăng độ kín khi đóng tủ. Bên trong tủ có bộ phận hút ẩm, đèn báo trạng thái hoạt động, đồng hồ đo độ ẩm (ẩm kế), đồng hồ đo nhiệt độ (tùy loại) và núm điều chỉnh thông số. Ngoài ra tủ chống ẩm thường dùng các khay (dạng kéo) để chứa đồ. Do sử dụng điện để vận hành nên tủ chống ẩm thường để cố định một vị trí.
Tùy thuộc vào dung tích thiết kế (tính bằng lít) mà tủ sẽ có kích thước lớn nhỏ cũng như khả năng chứa đồ nhiều hay ít. Để xác định nhanh dung tích tủ chống ấm cần mua có thể làm theo cách sau: (*)
– Xác định kích thước phía trong tủ cần thiết kế để đựng hết các thiết bị cần bảo quản.
– Dựa vào các kích thước đã xác định ở trên tính ra thể tích cần thiết ( = Dài x Rộng x Cao).
– Lựa chọn tủ có thể tích tương đương hoặc lớn hơn gần với số đã tính toán. Tuy nhiên vẫn cần kiểm tra lại xem tủ định chọn có phù hợp để chứa hết các thiết bị cần bảo quản không.
Về thiết kế tủ tủ chống ẩm có hai loại như sau:
– Loại có đồng hồ đo độ ẩm loại dùng kim, các núm điều khiển nằm bên trong, để điều chỉnh hệ thống phải mở nắp tủ, đây là một điểm bất tiện nhưng có thể ngăn ngừa những thao tác không mong muốn của trẻ em.
– Loại có đồng hồ hiển thị LCD và các nút điều khiển nằm bên ngoài, điều chỉnh hệ thống không phải mở nắp tủ khá tiện lợi, tuy nhiên nếu nhà có trẻ nhỏ thì dễ bị các em nghịch ngợm.
Về cơ chế hoạt động tủ chống ẩm cũng được chia làm hai loại:
– Loại hút ẩm bằng IC: Hoạt động theo cơ chế làm lạnh trừ ẩm không qua quy trình nén ép khí và không sử dụng quạt gió. Sử dụng công nghệ bán dẫn tạo ra môi trường hút được không khí ẩm. Khí ẩm bên trong được ngưng tụ bởi một thanh vật liệu có chức năng làm lạnh, tạo thành những hạt sương nhỏ và được hút ra bằng bộ phận hút ẩm của Block gồm thanh bức xạ và phần tử nhiệt điện bốc thành hơi ra bên ngoài. Khi đó độ ẩm trong tủ sẽ duy trì đạt được phạm vi cần thiết kế bảo quản sản phẩm. Loại này có ưu điểm kích thước nhỏ gọn, khống chế độ ẩm tốt, mức tiêu hao điện năng thấp và hoạt động êm hơn. Nhược điểm là giá thành cao, khi bị mất điện dễ gây hiện tượng ngưng đọng nước.
– Loại hút ẩm bằng silicagel: Khi hoạt động, bộ phận hút ẩm (chứa Silicagel) có nhiệm vụ hút ẩm bên trong tủ, lúc này van thông với bên ngoài đóng lại, van thông với bên trong tủ được mở. Sau khi no hơi ẩm, van thông với bên trong tủ đóng lại, van thông với bên ngoài tủ mở ra, bộ phận hút ẩm được làm khô (bởi các cuộn dây nhiệt), hơi ẩm từ bộ phận hút ẩm sẽ được đẩy ra ngoài. Khi không khí ẩm trong bộ phận hút ẩm được làm khô nó sẽ quay lại quá trình làm việc ban đầu. Loại này có ưu điểm là giá thành rẻ, hút ẩm nhanh. Nhược điểm là khó khống chế độ ẩm và mức tiêu hao điện năng lớn hơn loại dùng IC.
Một số loại tủ chống ẩm phổ biến
Để mua được chiếc tủ chống ẩm ưng ý bạn cần phải xác định được nhu cầu và khả năng tài chính của mình, nhằm tránh trường hợp mua tủ không đáp ứng đủ yêu cầu hoặc thừa thãi quá mức so với nhu cầu thực tế.
– Số lượng thiết bị cần bảo quản: nhằm tính được thể tính để có thể chứ đủ các thiết bị này, tham khảo công thức tính nhanh thể tích tủ chống ẩm bên trên (*).
– Số lượng thiết bị dự tính sẽ mua thêm (có hoặc không): căn cứ số lượng thiết bị có thể bổ xung nhiều hay ít mà bạn sẽ lựa chọn có thể tích lớn hớn tính toán ban đầu nhiều hay ít.
– Khả năng tài chính: Theo kinh nghiệm sử dụng thì tủ chống ẩm sử dụng IC có chất lượng và hiệu quả hơn nhưng giá cũng đắt hơn so với tủ chống ẩm dùng silicagel.
Hiện trên thị trường tủ chống ẩm phổ biến các thương hiệu như: Wonderful, Darlington, Eureka, Dry-Cabi… Một số model có thông số và giá tham khảo như bảng dưới
Những lưu ý khi lắp đặt và vận hành
Vị trí đặt tủ nên chọn nơi khô ráo, có độ ẩm thấp nhất và ít thay đổi sẽ giúp tăng tuổi thọ của tủ. Tránh để tủ gần các nguồn phát nhiệt khác (tủ lạnh, bếp . . .) các luồng không khí di chuyển trực tiếp (máy lạnh…) hay gần nơi có nước (hồ nước, bể cá…), phần sau tủ phải cách tường ít nhất 20 – 30cm.
Khi mới mua tủ về cần cho chạy không tải tối thiểu 6 tiếng ở mức cao (một số loại tủ có thể khác – nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất).
Nên cài đặt độ ẩm trong khoảng từ 45% – 55% (độ ẩm thích hợp) vì nếu để độ ẩm cao hơn ống kính dễ bị nấm mốc, nếu để thấp hơn thì sẽ hao phí năng lượng không cần thiết và nếu để quá thấp <30% có thể làm ảnh hưởng đến các gioăng cao su hoặc lớp keo bên trong ống kính, máy ảnh.
Hạn chế mở tủ ở mức tối đa. Khi đã mở tủ ra hãy thao tác nhanh chóng và sau đó đóng tủ vào ngay. Đặc biệt không được quên đóng tủ.
Những vật không cần thiết thì tránh bỏ vào tủ, ví dụ: dây đeo máy ảnh là thành phần hút ẩm nhiều nhất, thì nên bỏ ra ngoài ko nhất thiết phải cho trong tủ để tránh hao điện và giảm tuổi thọ tủ
Nếu không thường xuyên mở tủ thì máy thường ở chế độ nghỉ hơn là hoạt động, nếu không có thể tủ bị hở hoặc gặp vấn đề. Khi tủ đóng kín, sau một thời gian độ ẩm được hút ra hết đến mức thiết lập thì khi đó không có lý do nào nó tự nhiên chạy. Trong trường hợp này hãy kiểm tra độ kín của tủ hoặc liên hệ với nơi bán để được bảo hành.
Đối với tủ chống ẩm sử dụng đồng hồ ẩm kế bằng kim, sau khoảng 6 tháng tới 1 năm, hoạt động của đồng hồ có thế sai lệch dẫn tới chỉ thị độ ẩm không chính xác. Khi đó hãy hiệu chỉnh (calibrate) lại để đồng hồ thể hiện thông số đo chính xác hơn. Có thể liên hệ với nơi bán (nếu máy còn bảo hành) hoặc tự tháo cái đồng hồ ra (nếu máy hết bảo hành) rồi tới chỗ đã mua tủ, nhờ cửa hàng hiệu chỉnh lại độ chính xác (bằng cách so sánh với các đồng hồ ở tủ mới). Các đồng hồ cơ khí đều có nút xoay, hoặc con vít để tinh chỉnh thông số chính xác
Thủ thuật và mẹo bảo quản đồ nghề của các tay máy ảnh
Việc trang bị tủ chống ẩm cho “đồ chơi” là điều nên làm, tuy vậy không phải tất cả các tay chơi máy ảnh đều lựa chọn tủ chống ẩm cho mình bởi nhiều lý do: tài chính, không gian đặt tủ hay đơn giản là thích làm theo cách của mình…
Một trong những cách làm phổ biến của những người lựa chọn hình thức này là tự tạo cho mình một hộp chống ẩm với các vật tư dễ mua: hộp nhựa, đồng hồ ẩm kế, hạt chống ẩm (silicagel).
Hộp được sử dụng là hộp nhựa đựng thức ăn có thích thước phù hợp với các thiết bị muốn bảo quản, đặc điểm là nắp của các hộp này có gioăng cao su để tạo độ kín. Giá của các hộp này dao động từ 35.000đ – 100.000đ
Hộp nhựa đựng thực phẩm có thể sử dụng để bảo quản máy ảnh
Một đồng hồ ẩm kế để xác định độ ẩm cần thiết, có thể mua tại các cửa hàng bán thiết bị y tế với giá từ 70.000đ – hơn 200.000đ tùy loại.
Đồng hồ đo nhiệt độ và độ ẩm
Hạt chống ẩm có giá từ 20.000đ – 30.000đ/gói, khi mua về thường được sấy khô sau đó cho vào trong túi vải.
Hạt chống ẩm nên cho vào túi vải
Máy ảnh, ống kính, đồng hồ và túi chống ẩm được cho cùng vào hộp nhựa sau đó đóng kín lại. Theo dõi đồng hồ ẩm kế để đảm bảo độ ẩm cho phép từ 40% – 55%. Sau một thời gian sử dụng và khi đồng hồ ẩm kế báo độ ẩm >60% thì bỏ gói chống ẩm ra sấy khô sau đó tiếp tục sử dụng. Gói chống ẩm tái sử dụng được 2 – 3 lần thì nên thay gói khác để đảm bảo khả năng chống ẩm của chúng.
Hộp chống ẩm bán sẵn có đầy đủ phụ kiện, bộ hút ẩm dùng điện
Nếu bạn không biết cách hoặc không có thời gian để tạo cho mình một hộp chống ẩm như trên thì trên thị trường cũng bán sẵn các hộp chống ẩm sau khi mua về chỉ việc sử dụng luôn với giá từ 300.000đ – 650.000đ tùy chủng loại và thể tích.
Hộp chống ẩm có bộ phận hút ẩm phải thay thế hoặc sấy thủ công
Cấu tạo của hộp chống ẩm này bao gồm các thành phần sau: Hộp nhựa với nắp có gioăng cao su, đồng hồ ẩm kế được gắn trên hộp nhựa và một bộ phận hút ẩm. Bộ phẩn hút ẩm của những hộp chống ẩm bán sẵn như thế mặc dù đều dùng silicagel nhưng có hai dạng. Một loại phải thay thế khi hạt chống ẩm no nước (chuyển màu sắc) hoặc đem ra sấy thủ công. Loại kia hiện đại hơn một chút bởi đã được tích hợp sẵn bộ sấy nhiệt, chỉ việc đem hộp hút ẩm ra cắm điện sau một khoảng thời gian (hạt hút ẩm chuyển màu ban đầu) là có thể bỏ vào hộp sử dụng tiếp.
Bộ phận hút ẩm sử dụng điện để sấy
Lời kết
Cho dù bạn sở hữu bất cứ ống kính, máy ảnh có giá trị lớn nhỏ như thế nào thì lời khuyên đưa ra là: với môi trường có độ ẩm lớn như ở Việt Nam, bạn hãy sử dụng cách thức phù hợp để bảo quản các thiết bị của mình.